HỘI THẢO “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO KHỐI NGÀNH KỸ THUẬT” – TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH ĐÔNG

Thứ ba, 25/02/2025, 13:00 (GMT+7)

HỘI THẢO “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO KHỐI NGÀNH KỸ THUẬT” – TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH ĐÔNG

     Sáng ngày 25/02/2025, Trường Đại học Thành Đông tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành kỹ thuật theo định hướng ứng dụng” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

     Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, gồm các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, cùng đông đảo giảng viên trong khối ngành kỹ thuật, đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, sự kiện có sự góp mặt của lãnh đạo Công ty TNHH Điện tử TONLY Việt Nam, Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 203 – Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Miền Nam, và Công ty CP Trắc địa Quang Trung Hải Dương.

     Sau phần phát biểu và chỉ đạo của PGS.TS Lê Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng trưởng -Hiệu trưởng Nhà trường, hội thảo tiếp tục với các tham luận mang tính thực tiễn và ứng dụng cao.

     Nội dung các tham luận chính:

    1. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành kỹ thuật đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp tại Trường ĐH Thành Đông. Trình bày: TS. Giang Quốc Khánh – Trưởng khoa Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí. Bài tham luận đề xuất 17 giải pháp chia thành 5 nhóm, tập trung vào 3 đối tượng chính trong Nhà trường nhằm khắc phục hạn chế hiện tại và nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật.

     2. Tích hợp AI vào giáo dục khối STEM: Xu hướng tất yếu cho nguồn nhân lực 4.0. Trình bày: TS. Ngô Bá Hưng – Khoa Công nghệ Thông tin. Tham luận nhấn mạnh phương châm giáo dục ứng dụng AI và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, đặc biệt trong khối ngành kỹ thuật, giúp sinh viên sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhân lực thời kỳ 4.0.

     3. Phát biểu của Ông Long Kiệt - Giám đốc Bộ phận Nhân sự, Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử TONLY Việt Nam. Trong bài phát biểu, ông Long Kiệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng thực hành, tinh thần học hỏi và đam mê nghiên cứu đối với sinh viên kỹ thuật. Ông khẳng định rằng kiến thức nền tảng tuy quan trọng nhưng khả năng áp dụng thực tiễn và tinh thần đổi mới sáng tạo mới là yếu tố quyết định sự thành công trong môi trường doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo, ông đề xuất một số giải pháp:

  • Tăng cường thực hành và trải nghiệm thực tế: Sinh viên cần được rèn luyện qua các dự án thực tế, thực tập dài hạn tại doanh nghiệp để nâng cao tay nghề.
  • Hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp: Các doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành trong quá trình đào tạo, từ việc xây dựng giáo trình, tổ chức hội thảo chuyên đề đến việc hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập và tuyển dụng.
  • Phát triển các câu lạc bộ sinh viên kỹ thuật: Khuyến khích sinh viên tham gia các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, thực hiện các dự án sáng tạo và tham gia các cuộc thi về công nghệ.
  • Nâng cao năng lực ngoại ngữ và tư duy phản biện: Ông nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hội nhập, sinh viên cần có kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, đồng thời phải rèn luyện tư duy phản biện để có thể thích nghi nhanh với những thay đổi trong công nghệ.
  • Áp dụng tư duy PDCA (Lập kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Cải tiến): Đây là phương pháp quan trọng giúp sinh viên không ngừng cải thiện và phát triển bản thân, nâng cao hiệu quả công việc và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 

     4. Vai trò cơ sở vật chất trong đào tạo kỹ thuật theo định hướng ứng dụng .Trình bày: TS. Nguyễn Trần Hiệp – Trưởng khoa Điện – Điện tử. Tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở vật chất trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên kết hợp lý thuyết với thực hành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Nội dung trình bày cũng đề cập đến thực trạng đầu tư cơ sở vật chất tại trường, việc hợp tác quốc tế, nhận tài trợ và đề xuất mở rộng phòng thí nghiệm, ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy.

     5. Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Quản lý đất đai. Trình bày: TS. Phạm Văn Tuyên – Phó Trưởng khoa Quản lý Đất đai. Tham luận nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành Quản lý đất đai trong phát triển bền vững, đồng thời chỉ ra những hạn chế về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Để nâng cao chất lượng đào tạo, tác giả đề xuất các giải pháp đổi mới chương trình học, áp dụng chuyển đổi số, nâng cao năng lực giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất và hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng.

     6. T hực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng. Trình bày: ThS. Hoàng Văn Biên – Giảng viên Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng. Tham luận đề cập đến thực trạng đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, nhấn mạnh những kết quả đạt được như cập nhật chương trình theo hướng thực tiễn, tăng cường thực hành, ứng dụng công nghệ số và mở rộng hợp tác doanh nghiệp. Các giải pháp được đề xuất gồm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là AI trong giảng dạy và thực hành.

     Ngoài các tham luận chính, hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học và chuyên gia, bao gồm PGS.TS Nguyễn Phước Nhuận – Trưởng khoa Khoa học Cơ bản, ThS. Lê Đỗ Kiên – Chuyên viên Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương, ông Trần Văn Học – Chuyên viên Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, và ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty 3D Vietpro. Các ý kiến tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp, cập nhật công nghệ mới trong đào tạo, nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên và định hướng phát triển bền vững cho ngành kỹ thuật.

 

     Khép lại hội thảo, TS. Đặng Ngọc Huy – Đại diện Ban tổ chức khẳng định: “Những giải pháp được đề xuất hôm nay sẽ không chỉ nằm trên lý thuyết mà sẽ được triển khai thực tế trong thời gian tới. Trường Đại học Thành Đông sẽ không ngừng nỗ lực xây dựng một môi trường học tập gắn với thực tiễn, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng, sẵn sàng bước vào thị trường lao động với sự tự tin.”

 

Bài viết liên quan